Amiodarone
a. Tác động điện sinh lý
Tác động trên điện sinh lý của amiodarone rất phức tạp. Được phân loại vào các thuốc chống rối loạn nhịp nhóm III theo phân loại của Vaughan – Williams do khả năng ức chế kênh kali, amiodarone kéo dài thời gian điện thế hoạt động và thời kỳ trơ hiệu quả của tất cả các mô cơ tim, bao gồm cả đường dẫn truyền phụ. Thuốc cũng có tác dụng chẹn kênh Na mạnh của nhóm I, đối kháng giao cảm không chọn lọc của nhóm II và tác dụng chẹn kênh Ca yếu của nhóm IV, góp phần giải thích cho tác dụng làm chậm nhịp tim và ức chế nút nhĩ thất của amiodarone, tỷ lệ gây xoắn đỉnh tương đối thấp, có thể gây giãn nhẹ mạch vành và mạch ngoại biên.
Trên điện tâm đồ, amiodarone làm chậm nhịp xoang, kéo dài khoảng PQ và thời kỳ trơ của nút nhĩ thất, kéo dài thời gian phức bộ QRS, khoảng QT.
Amiodarone đường uống thường bắt đầu có tác dụng sau 2 ngày-3 tuần, đỉnh tác dụng thường đạt sau 1 tuần. Thời gian bán thải kéo dài 26-107 ngày. Do đó thuốc vẫn duy trì tác dụng ngay cả khi đã ngưng thuốc thậm chí 2 tháng.
b. Chỉ định và liều lượng
Điều trị và dự phòng rối loạn nhịp nhĩ
Chuyển nhịp xoang ở bệnh nhân rung nhĩ: 5-7 mg/kg trong 1-2 giờ, sau đó duy trì 50 mg/h. Tối đa 1 g/24h.
Duy trì nhịp xoang sau chuyển nhịp ở bệnh nhân rung nhĩ: 600 mg chia 2 lần/24h trong 4 tuần, sau đó 400 mg/24h trong 4 tuần, sau đó duy trì 200 mg/24h.
Điều trị trước sốc điện chuyển nhịp rung nhĩ: Để giảm rung nhĩ tái phát ở những bệnh nhân sốc điện chuyển nhịp, có thể điều trị trước bằng các thuốc chống rối loạn nhịp. Amiodarone thường được dùng trước 6 tuần. Liều lượng: Khởi đầu bằng 400- 1200 mg chia 2-4 lần/24h trong ít nhất 2 tuần, giảm dần liều, duy trì 200 mg 1 lần/24h.
Kiểm soát tần số thất dài hạn ở bệnh nhân rung nhĩ: ở những bệnh nhân rung nhĩ mà tần số tim không thể được kiểm soát bằng liệu pháp kết hợp (gồm chẹn beta hoặc verapamil/diltiazem kết hợp với digoxin) có thể cân nhắc sử dụng amiodarone, liều 200 mg/24h.
Điều trị và dự phòng rối loạn nhịp thất
Cắt cơn nhịp nhanh thất huyết động ổn định: 150 mg truyền bolus tĩnh mạch trong 10 phút, có thể nhắc lại sau 10 phút nếu cần thiết. Sau đó duy trì 1 mg/min truyền tĩnh mạch trong 6 giờ, sau đó duy trì 0,5 mg/min trong 18 giờ.
Cắt cơn nhịp nhanh thất rối loạn huyết động/rung thất: 300 mg truyền bolus tĩnh mạch. Có thể nhắc lại 150 mg mỗi 3-5 phút nếu cần.
Dự phòng tái phát cơn rối loạn nhịp thất đường uống: 400 mg mỗi 8-12 giờ trong 1-2 tuần đầu, sau đó giảm liều 300-400 mg/24h, và duy trì liều 200 mg/24h nếu có thể.
c. Chống chỉ định
Suy nút xoang nặng biểu hiện bằng nhịp chậm xoang đáng kể hoặc có triệu chứng ngất (trừ trường hợp đã đặt máy tạo nhịp tim).
Block nhĩ thất cấp 2 hoặc 3 (trừ trường hợp đã đặt máy tạo nhịp tim). Sốc tim.
d. Tác dụng phụ
Trên tim: Thường gặp nhất là nhịp chậm xoang, đặc biệt là ở người già. Ở những người có bệnh lý nút xoang hoặc block nhĩ thất trước đó, amiodarone có thể làm nặng thêm tình trạng block dẫn truyền do ức chế nút xoang nhĩ, nút nhĩ thất, QT kéo dài, nhưng tỷ lệ xuất hiện xoắn đỉnh thường rất thấp.
Tuyến giáp: Cường giáp hoặc suy giáp. Phổi: Xơ phổi.
Gan: Thuốc gây độc tế bào gan, làm tăng men gan, viêm gan, xơ gan.
Rối loạn sắc tố da, viêm da do tăng nhạy cảm ánh sáng, viêm thần kinh thị, bệnh thần kinh ngoại biên…
e. Tương tác thuốc
Khi kết hợp với các thuốc làm kéo dài khoảng QT khác (như các thuốc chống loạn nhịp nhóm IA, phenothiazines, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, lợi tiểu thiazide, và sotalol) có thể gây khởi phát rối loạn nhịp.
Amiodarone kéo dài thời gian prothrombin và có thể gây chảy máu khi sử dụng trên những bệnh nhân đang dùng warfarin. Amiodarone làm tăng nồng độ của digoxin trong huyết tương.