X quang hệ niệu có cản quang đường tĩnh mạch
  1. Home
  2. Cấp cứu
  3. X quang hệ niệu có cản quang đường tĩnh mạch
YHOVN 2 năm trước

X quang hệ niệu có cản quang đường tĩnh mạch

(UIV: Urographie Intraveineuse; IVP: Intravenous Pyelography).

1. Mục đích:

Khảo sát hình thái và chức năng hệ niệu.

2. Chỉ định:

Trong tất cả các trường hợp bệnh lý của hệ niệu khi cần chẩn đoán phân biệt hay chẩn đoán nguyên nhân (sỏi niệu, u, chấn thương, viêm nhiễm, bẩm sinh).

3. Chống chỉ định:

Chống chỉ đinh bắt buộc: mất nước.

Chống chỉ định tương đối: Suy thận, dị ứng với iode, đa u tủy, thai nghén.

4. Phương pháp:

Nguyên lý của phương pháp dựa vào tính thải trừ thuốc cản quang qua đường tiết niệu.

4.1. Chuẩn bị bệnh nhân:

Bệnh nhân dùng chế độ ăn nhẹ (chế độ ăn ít xơ, ít sinh hơi) trước khi chụp 1 – 2 ngày, nhịn ăn và nhịn uống trước khi chụp 6 – 12 giờ.

Thụt tháo hoặc dùng thuốc nhuận tràng (thuốc xổ) cho sạch phân và hết hơi trong ruột.

Cho bệnh nhân uống thuốc nhuận tràng trước khi chụp 1 ngày. Dùng thuốc nhuận tràng tốt hơn thụt tháo ruột vì thụt tháo nhiều khi để lại trong ruột nhiều bóng hơi.

Ngay trước khi chụp bệnh nhân phải đi tiểu để đảm bảo là bàng quang hết nước tiểu.

Ổn định tâm lý bệnh nhân.

Tránh chụp bụng có sử dụng chất cản quang trước đó 5 – 7 ngày.

Việc chuẩn bị bệnh nhân càng hoàn hảo càng tốt. Điều này góp phần không nhỏ vào chất lượng của phim UIV.

4.2. Kỹ thuật:

Chuẩn bị thuốc kháng dị ứng, thuốc cản quang, bộ dụng cụ ép niệu quản cùng các dụng cụ bổ trợ khác (khay hạt đậu, bơm và kim tiêm,…).

Phim thứ 1:

Chụp phim bụng không chuẩn bị (KUB) ngay trước khi chụp phim UIV nhằm:

– Xem qua hình dáng, vị trí, kích thước, đường bờ, hướng trục của thận.

– Xem các yếu tố KV, mAs (thông số kỹ thuật) cài đặt phù hợp không.

– Xem ruột có được sạch phân và hơi hay không.

– Xem có gì bất thường ở đáy phổi, ống tiêu hóa, cơ thắt lưng, cột sống, xương chậu, đầu trên xương đùi,… hay không.

Sau đó hỏi xem bệnh nhân trước đây có bị phản ứng với thuốc cản quang hay không.

Test nhạy cảm đối với thuốc cản quang. Nếu bệnh nhân không có phản ứng gì với thuốc, tiến hành tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch và chụp các phim tiếp theo.

Phim thứ 2:

Chụp trong phút đầu tiên tính từ khi tiêm thuốc hoặc ngay khi vừa tiêm xong thuốc cản quang, khảo sát thì thận đồ (Nephrogram). Khảo sát nhu mô thận.

Phim thứ 3:

Chụp 05 phút sau khi tiêm thuốc cản quang, khảo sát thì bài tiết sớm (pyelogram). Khảo sát đài – bể thận.

Phim thứ 4:

Chụp 15 phút sau khi tiêm thuốc cản quang. Khảo sát bể thận – niệu quản.

Phim thứ 5:

Chụp 30 phút sau khi tiêm thuốc cản quang. Khảo sát bàng quang.

Có thể chụp thêm các phim khác tùy thuộc vào yêu cầu của chẩn đoán.

* Thuốc cản quang:

Thuốc cản quang sử dụng là Iode tan trong nước.

Liều trung bình ở người lớn khoảng 20 – 30g. Tổng liều iode trong 24 giờ ≤ 60g. Nên tiêm liều lớn 400 mgI/kg trọng lượng cơ thể với tốc độ nhanh, tốt nhất là 10 ml/s.

Chú ý tốc độ tiêm, liều dùng, các yếu tố nguy cơ, phản ứng dị ứng, cách dự phòng và xử trí.

Một số thuốc cản quang sử dụng:

– Ultravist 300. Lọ chứa 50 ml nồng độ 300 mgI/ml.

– Xenetix 300. Lọ chứa 50 ml nồng độ 300 mgI/ml.

– Telebrix 35. Lọ chứa 50 ml nồng độ 350 mgI/ml.

5. Phân tích phim:

5.1. Phim trước bơm thuốc: phân tích giống như phim KUB.

5.2. Phim sau bơm thuốc: luôn luôn so sánh, đối chiếu qua lại giữa các phim UIV chụp ở những thời điểm khác nhau và với phim KUB.

Khảo sát hình thái:

5.2.1. Nhu mô thận:

Khảo sát hình dáng, vị trí, kích thước, đường bờ, hướng trục của thận. Đo kích thước thận và khảo sát vị trí thận theo thận đồ được xem là chính xác nhất.

5.2.2. Đài thận:

thường có ba nhóm lớn: trên – giữa – dưới. Mỗi đài chia ra 3 – 4 đài nhỏ. Đài thận nhóm trên ngang mức xương sườn D12. Đài thận có hình trăng lưỡi liềm rồi thu nhỏ lại ở từng cổ đài thận.

5.2.3. Bể thận:

Chú ý vị trí, kích thước và hình dạng bể thận. Bẻ thận nối tiếp với 3 nhóm đài thận lớn. Bể thận có hình tam giác (hình phễu), phía trên cong lồi, phía dưới lõm. Bể thận đổ vào niệu quản ở ngang L2. Bể thận (P) nằm thấp hơn bể thận (T) khoảng 2 – 4 cm.

5.2.4. Niệu quản:

Bình thường niệu quản có hình không liên tục do nhu động. Niệu quản dài khoảng 25 – 30 cm, đường kính 7 mm. Chú ý 3 đoạn hẹp niệu quản sinh lý và vị trí của niệu quản.

5.2.5. Bàng quang:

Bờ đều, mềm mại, ranh giới rõ ràng và ở phía trên xương mu.

Dung tích bàng quang bình thường. Dung tích sinh lý của bàng quang khoảng 150 – 300ml. Lúc bí tiểu dung tích có thể lên đến 3 – 4 lít.

5.2.6. Các hình ảnh bất thường hệ niệu:

– Hình dãn nở.

– Hình lồi.

– Hình khuyết.

– Hình teo hẹp và/hay cắt cụt.

Khảo sát chức năng:

Khảo sát chức năng thận (tương đối) dựa vào các yếu tố sau:

– Thời gian hình ảnh nhu mô thận, đài thận hiện lên.

– Mức độ đậm đặc của thuốc cản quang trong hệ thống đài – bể thận.

– Hình thái của đài thận

UIV khảo sát đài thận-bể thận

UIV-khảo sát bể thận-niêu đạo

UIV khảo sát bể bàng quang

52 lượt xem | 0 bình luận
YHOVN
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar