Nhận Biết Ngưỡng Truyền Hồng Cầu Ở Những Bệnh Nhân Nặng
MICHAEL C. SCOTT, MD
Mặc dù không phải là tình trạng duy nhất xác định một bệnh nhân nặng, sốc được nhiều người coi là rối loạn đầu tiên. Với mục tiêu điều trị tập trung vào huyết áp và cung lượng tim, bạn có thể dễ dàng quên rằng sốc ở mức cơ bản nhất được xác định dựa vào sự thiếu hụt cung cấp oxy và nhu cầu oxy ở mức độ tế bào. Trên thực tế, hầu hết các can thiệp đều nhằm mục đích điều chỉnh sự mất cân bằng này, thông thường là tăng cung cấp oxy. Kết quả là, từ lâu người ta đã quan tâm đến việc điều trị truyền máu như một cách làm tăng cung cấp oxy cho bệnh nhân nặng.
Trong những năm gần đây, một lượng lớn các nghiên cứu đã đặt câu hỏi về thực tiễn truyền hồng cầu để tăng cung cấp oxy. Trên thực tế, các tài liệu hiện tại cho thấy có thể có hại do các phản ứng truyền máu đáng kể như phản ứng tan máu cấp tính, tổn thương phổi cấp do truyền máu và nhiễm trùng trực tiếp từ mầm bệnh nhiễm trong các chế phẩm máu. Điều này được cho là do việc truyền máu chứa một lượng nhỏ của huyết tương người hiến, bạch cầu, kháng thể, và các chất trung gian gây viêm ngoài các tế bào hồng cầu. Một phân tích tổng hợp gần đây về các nghiên cứu quan sát ở đơn vị chăm sóc đặc biệt, ở các bệnh nhân chấn thương và phẫu thuật, cho thấy rằng truyền hồng cầu là một yếu tố tiên đoán độc lập về tử vong, nhiễm trùng bệnh viện, hội chứng suy hô hấp cấp, và hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan. Việc đánh giá tác hại tiềm tàng từ việc truyền máu đã dẫn tới việc sử dụng các thuật ngữ như “allogeneic blood transfusion” hoặc thậm chí là “liquid organ transplant” để làm nổi bật các tác động điều chỉnh miễn dịch tiềm ẩn của việc truyền máu.
Các nghiên cứu gần đây đã làm đơn giản hóa rất nhiều cách tiếp cận truyền máu ở những bệnh nhân nặng không chảy máu. Nếu không có nhồi máu cơ tim cấp tính hoặc tai biến mạch máu não (CVA), bệnh nhân nặng không có triệu chứng cụ thể do thiếu máu không nên truyền máu với giá trị hemoglobin lớn hơn 7 g / dL. Điều này được hỗ trợ tốt nhất bởi các nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng so sánh mức hemoglobin khởi động truyền máu 7 g / dL với 10 g / dL ở cả nhóm bệnh nhân chăm sóc đặc biệt nói chung và ở bệnh nhân ICU có sốc nhiễm khuẩn. Những nghiên cứu này cho thấy không có lợi trong việc bắt đầu truyền máu ở ngưỡng hemoglobin 10 g / dL. Theo kết quả của các nghiên cứu này và sự gia tăng bằng chứng về mối liên hệ giữa truyền máu và các biến cố bất lợi, hầu hết các bác sĩ lâm sàng đều sử dụng mức hemoglobin 7 g / dL như là ngưỡng truyền máu ở những bệnh nhân nặng tại ICU không có bằng chứng thiếu máu cục bộ cấp tính.
Bệnh nhân có hội chứng vành cấp (ACS) hoặc CVA thường bị loại khỏi hầu hết các nghiên cứu truyền máu vì không thể chứng minh rằng những vùng thiếu máu cục bộ này sẽ không giải quyết được với mức tăng hemoglobin và khả năng vận chuyển oxy. Cho đến khi có nhiều nghiên cứu hơn, nên theo các hướng dẫn hiện hành từ Society of Critical Care Medicine-Eastern Association for Surgery of Trauma, cho rằng truyền máu có thể có lợi ở những bệnh nhân ACS và có giá trị hemoglobin dưới 8 g / dL.
ĐIỂM QUAN TRỌNG
- Ở các bệnh nhân nặng không triệu chứng, không chảy máu, không có ngưỡng hemoglobin cụ thể đòi hỏi phải truyền máu.
- Đối với phần lớn các bệnh nhân nặng không chảy máu, mức hemoglobin 7g / dL nên được sử dụng như một ngưỡng để bắt đầu truyền hồng cầu.
- Một số hướng dẫn khuyến cáo truyền máu ở bệnh nhân không triệu chứng, có tiền sử bệnh mạch vành khi mức hemoglobin giảm xuống dưới 8 g / dL.
- Ngưỡng truyền hồng cầu ở bệnh nhân thiếu máu cục bộ đang diễn tiến không rõ ràng; tuy nhiên, duy trì mức hemoglobin lớn hơn 8g / dL là hợp lý.
- Trong trường hợp không có xuất huyết, chỉ nên truyền một đơn vị hồng cầu mỗi lần.