Đừng Bỏ Sót Gãy Xương Thuyền
  1. Home
  2. Cấp cứu
  3. Đừng Bỏ Sót Gãy Xương Thuyền
YHOVN 2 năm trước

Đừng Bỏ Sót Gãy Xương Thuyền

 

BENJAMIN D. MUSSER, MD

Đau cổ tay là than phiền chính rất thường gặp tại khoa cấp cứu (ED), và các bác sĩ cấp cứu cần nhận biết rằng tỷ lệ gãy xương thuyền là cao ở những bệnh nhân đau cổ tay cấp tính. Xương thuyền là xương cổ tay thường gãy nhất, và cơ chế gãy thường là té chống bàn tay với cổ tay quá duỗi và nghiêng quay.

Xương thuyền là một xương hình lưỡi liềm và là xương lớn nhất của phần gần khối xương cổ tay. Về mặt giải phẫu, nó có thể được chia làm ba phần: cực gần, phần ba giữa (eo) và cực xa. Sự hiểu biết về nguồn cấp máu duy nhất của xương thuyền giúp chúng ta điều trị một cách tốt nhất những tổn thương của nó. Xương thuyền được cấp máu từ nhánh gan cổ tay của động mạch quay. Nhánh này đi vào đầu xa của xương thuyền và sau đó di chuyển ngược về phía cực gần. Do đó, phần eo và cực gần của xương thuyền sẽ phụ thuộc vào việc nguồn cấp máu phần xa còn nguyên vẹn hay không –  đây là yếu tố thường sẽ bị ảnh hưởng sau gãy xương.

Khi có một bệnh sử nghi ngờ về khả năng gãy xương thuyền, thăm khám lâm sàng thường sẽ giúp củng cố chẩn đoán. Thăm khám thường sẽ có ấn đau và / hoặc sưng trên hõm lào giải phẫu (tốt nhất được kiểm tra với lòng bàn tay gấp nhẹ và nghiêng trụ). Đau cũng có giá trị gợi ý khi ấn tại lồi củ xương thuyền và dồn dọc trục ngón cái. Tất cả các thao tác tại giường nhanh chóng này đều tương quan với sự hiện diện của gãy xương thuyền.

Khi dùng đến X quang để tìm gãy xương thuyền, sẽ cần phải có tư thế chụp đặc biệt. Để chụp được tư thế này, đặt bàn tay của bệnh nhân lật vào trong hoàn toàn với cổ tay nghiêng trụ tối đa. Một đường gãy rõ ràng là dấu hiệu chắc chắn của gãy xương, nhưng những phát hiện tinh tế hơn như mất hoặc sự dịch chuyển của bờm mỡ cũng có thể chỉ ra sự hiện diện của gãy xương. Một nghiên cứu của Waeckerle và các cộng sự cho thấy chụp X quang ngay sau tổn thương cấp tính có tỷ lệ âm tính giả lên đến 20%. Do đó, nếu lâm sàng nghĩ nhiều đến gãy xương thuyền mặc dù X quang không phát hiện, việc cố định theo kinh nghiệm được khuyến cáo. Chụp X quang cổ tay lại trong vòng 1 tuần ở những trường hợp như vậy. Điều này sẽ cho phép bất kỳ gãy xương nào có thời gian để biểu hiện, trong khi vẫn giữ cho bệnh nhân cố định trong thời gian đó. Nếu cần chẩn đoán nhanh hơn, như trong trường hợp một vận động viên muốn trở lại tập luyện sớm, Carpenter và các cộng sự đã chứng minh rằng cộng hưởng từ (MR) và chụp cắt lớp vi tính (CT) có độ nhạy và độ đặc hiệu tuyệt vời để xác định gãy xương thuyền ngay cả trong bối cảnh cấp tính.

Nẹp hoặc bó bột sau gãy xương tập trung vào việc cố định xương thuyền và thường đòi hỏi dùng một nẹp ngón cái. Thời gian cố định khác nhau, nhưng cố định lâu hơn là cần thiết cho các trường hợp gãy gần vì nguy cơ hoại tử vô mạch và không lành xương cao hơn. Sự gia tăng nguy cơ này có thể được giải thích bằng nguồn cấp máu được mô tả ở trên. Giảm cấp máu có thể cản trở sự lành xương và làm tăng đáng kể khả năng hoại tử vô mạch.

Nếu có lo ngại đáng kể về biến chứng sau gãy xương thuyền, việc chuyển bệnh nhân đến với một bác sĩ chấn thương chỉnh hình có thể cần thiết. Một số tiêu chí có thể xem xét bao gồm:

Gãy cực gần

Đoạn gãy di lệch lớn hơn 1 mm

Đến viện trễ. Langhoff và các cộng sự thấy rằng bệnh nhân đến viện trễ trong vòng 4 tuần sau chấn thương ban đầu, tỷ lệ không lành xương đã tăng lên đến 40%.

Ở những bệnh nhân gãy xương thuyền không biến chứng mà không có bằng chứng không lành xương, không có bằng chứng cho thấy lợi ích dài hạn của can thiệp phẫu thuật so với cố định. Tuy nhiên, có một sự giảm nhẹ trong thời gian quay trở lại làm việc với can thiệp phẫu thuật như trong một nghiên cứu của Bond và các cộng sự (8 tuần so với 15 tuần trong một nghiên cứu nhỏ ở 25 bệnh nhân).

KEY POINTS 

Gãy xương thuyền là gãy xương phổ biến nhất của khối xương cổ tay. Cơ chế chấn thương thường gặp nhất là té chống bàn tay.

Ấn đau vùng hố lào, lồi củ xương thuyền, và đau khi dồn dọc trục ngón tay cái là các phát hiện khi thăm khám lâm sàng làm tăng nghi ngờ gãy xương thuyền.

Điều quan trọng là cố định cổ tay và ngón cái bằng nẹp ngón cái nếu lâm sàng nghi ngờ gãy xương thuyền, ngay cả khi chụp X quang chưa phát hiện.

0 lượt xem | 0 bình luận
YHOVN
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar