Các Phản Ứng Truyền Máu Và Cách Quản Lý
Scorr E. SUTHERLAND, MD
Truyền các sản phẩm từ máu đóng một vai trò quan trọng trong quản lý, điều trị bệnh nhân tại khoa cấp cứu, với các chỉ định đi từ xuất huyết do chấn thương đến đảo ngược các tác nhân chống đông. Các sản phẩm của máu bao gồm hồng cầu khối, tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh và tủa lạnh (cryoprecipitate). Phương pháp đầu tiên để tránh các phản ứng truyền máu đó là phải chắc chắn rằng tình huống đó có chỉ định cần truyền máu. Sau khi cán bộ cấp cứu ra y lệnh truyền sản phẩm từ máu, bệnh nhân cần được theo dõi sát để phát hiện các phản ứng truyền máu. Chúng bao gồm phản ứng sốt lành tính cho đến tình trạng tan máu nguy hiểm đến tính mạng. Nếu nghi ngờ phản ứng truyền máu, cần dừng ngay việc truyền và thông báo cho ngân hàng máu.
Sốt không do tan máu (Febrile nonhemolytic transfusion reactions = FNHTRs) biểu hiện với tình trạng tăng thân nhiệt tối thiểu 1 độ so với mức nền, đi kèm với ớn lạnh, rùng mình và cảm thấy khó chịu. Những triệu chứng này thường xảy ra trong vòng 2 giờ từ khi bắt đầu truyền máu. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự giải phóng các cytokine có thể từ máu truyền vào hoặc cũng có thể là các cytokine tự nhiên giải phóng từ các phản ứng của cơ thể đối với kháng nguyên của bạch cầu trong máu truyền vào. Nguy cơ FNHTRs có thể giảm, nhưng không thể loại trừ, bằng cách sử dụng các tế bào máu đã giảm bạch cầu ( leukoreduced red blood cells). Nhiều bác sĩ dự phòng trước cho bệnh nhân bằng acetaminophen và diphenhydramine để tránh FNHTRs, nhưng những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra điều trị dự phòng không làm giảm nguy cơ FNHTRs và còn có thể làm che lấp triệu chứng của các phản ứng truyền máu nghiêm trọng hơn.
Phản ứng dị ứng do truyền máu (Allergic transfusion reactions = ATRs) biểu hiện với phát ban mề đay, ngứa trong vòng 2 giờ từ khi truyền máu. Những phản ứng này là do sự hoạt hóa dưỡng bào và bạch cầu ưa kiềm qua trung gian IgE ⇒ giải phóng histamin. Mặc dù các phản ứng này có thể nhẹ nhàng, bệnh nhân có thể biểu hiện các phản ứng phản vệ nặng nề hơn như co thắt phế quản, suy hô hấp, phù mạch, và tụt huyết áp. Những phản ứng nghiêm trọng này thường xảy ra nhất ở những bệnh nhân thiếu hụt IgA. Cách quản lý có thể từ chỉ định kháng histamin cho đến dùng adrenalin và vận mạch, phụ thuộc vào mức độ của triệu chứng dị ứng.
Phản ứng tan máu do truyền máu (Hemolytic transfusion reactions = HTRs) biểu hiện với sốt, lạnh run, đau vùng hông cho đến tụt áp, suy thận, đông máu rải rác nội mạch (DIC). HTRs gây ra bởi sự phá hủy qua trung gian miễn dịch của các tế bào máu người cho bởi sự tồn tại trước đó các kháng thể của người nhận do bất tương hợp nhóm máu hệ ABO như là một ví dụ điển hình. Mức độ nặng phụ thuộc vào lượng máu truyền vào (với một lượng nhỏ 200 ml cũng đủ gây tử vong). Điều trị HTRs bao gồm bù dịch tích cực và chăm sóc hỗ trợ.
Quá tải tuần hoàn do truyền máu (Transfusion-associated circulatory overload = TACO) thường biểu hiện ở những bệnh nhân suy giảm chức năng tim ⇒ phù phổi cấp huyết động do tim và suy hô hấp. Biểu hiện thường gặp bao gồm khó thở, tăng khi nằm, nhịp tim nhanh, và áp lực mạch rộng . Đánh giá cận lâm sàng và hình ảnh cho thấy một sự tăng NT-proBNP và X quang ngực cho thấy thâm nhiễm phế trường hai bên. Điều trị bao gồm giảm thể tích tuần hoàn với lợi tiểu, cũng cấp O2, và trong những trường hợp nặng cần thông khí áp lực dương không xâm nhập.
Tổn thương phổi cấp do truyền máu (Transfusion-related acute lung injury =TRALI) và TACO có biểu hiện lâm sàng tương tự nhau, do vậy khó có thể phân biệt. Những triệu chứng bao gồm khó thở, suy hô hấp, TRALI gây ra bởi tăng tính thấm thành mạch do các kháng thể kháng bạch cầu trong máu người cho gây ra tình trạng phù phổi cấp không do tim. Hình ảnh học cho thấy thâm nhiễm phế trường hai bên trên X quang phổi. Quản lý TRALI bao gồm điều trị hỗ trợ và có thể phải cần đặt ống nội khí quản và thở máy trong trường hợp thiếu khí (hypoxemia) cũng như dùng vận mạch trong trường hợp tụt áp dai dẳng.
Sepsis do truyền máu (Transfusion-associated sepsis = TAS) xảy ra do máu truyền vào bị nhiễm khuẩn, các triệu chứng bao gồm sốt, tụt áp và có thể tiến tới septic shock. TAS thường hay gặp nhất khi truyền tiểu cầu vì chúng được lưu trữ ở nhiệt độ phòng, mà đây lại là mức nhiệt lý tưởng cho sự nhân lên của vi khuẩn. Điều trị bao gồm kháng sinh phổ rộng, hỗ trợ tuần hoàn với dịch và vận mạch nếu cần. Bên cạnh đó, cấy máu cả từ máu bệnh nhân và máu truyền vào.
Bệnh lý thải ghép do truyền máu (Transfusion-associated graft versus host disease) xảy ra khi cơ thể người nhận suy giảm miễn dịch được truyền lympho miễn dịch. Tế bào lympho truyền vào sẽ gây ra các phản ứng miễn dịch chống lại tế bào vật chủ. Triệu chứng bắt đầu trong vòng 1 tuần từ khi truyền máu, bao gồm sốt, ban đỏ, tăng men gan, vàng da, triệu chứng tiêu hóa. Không có điều trị cụ thể, và phản ứng này thường đưa đến tử vong. Để tránh phản ứng này, việc truyền máu cho người suy giảm miễn dịch cần phải được chiếu xạ để loại toàn bộ tế bào lympho trong máu người cho.
Tóm lại, Có nhiều phản ứng truyền máu, đi từ nhẹ nhàng cho đến tử vong. Bước quan trọng nhất là nhận biết sớm và dừng việc truyền lại.
ĐIỂM QUAN TRỌNG
- 1. Cách tốt nhất để tránh phản ứng truyền máu là tránh truyền không có chỉ định.
- 2. Nếu nghi ngờ có phản ứng truyền máu, dừng ngay việc truyền và báo cho ngân hàng máu.
- 3. Điều trị dự phòng trước truyền có thể sẽ làm che lấp triệu chứng của những phản ứng truyền máu nghiêm trọng.
- 4. TACO và TRALI khó để phân biệt, nhưng cả hai đều cần được điều trị hỗ trợ.
- 5. TAS thường gặp nhất khi truyền tiểu cầu.