Có Nên Dùng Thực Phẩm Chức Năng?
  1. Home
  2. Cấp cứu
  3. Có Nên Dùng Thực Phẩm Chức Năng?
YHOVN 1 năm trước

Có Nên Dùng Thực Phẩm Chức Năng?

EDMUND TIMPANO, MD AND SARIKA wALIA, MBBS

Thực phẩm chức năng được hầu hết người Mỹ sử dụng. Vitamin tổng hợp là một trong số những thực phẩm chức năng thường gặp nhất. Vitamin là những hợp chất hữu cơ thiết yếu cho quá trình chuyển hóa cơ bản và không thể tự cơ thể sản xuất đủ lượng hoặc hoàn toàn không thể tự sản xuất. Chúng được lấy từ các nguồn thực phẩm bên ngoài, nếu không cơ thể sẽ bị thiếu hụt. 

Vitamin có thể được phân loại thành  nhóm tan trong nước hoặc tan trong dầu. Người trưởng thành khỏe mạnh và phụ nữ không mang thai có thể thu nhận đủ các vitamin thiết yếu từ chế độ ăn cân bằng hàng ngày.  Tổ chức AMA (American Medical Association) không khuyến cáo việc sử dụng thêm vitamin hàng ngày . Nếu bổ sung một lượng không thích hợp, một vài loại vitamin sẽ gây ra những tác dụng độc nghiêm trọng cần can thiệp cấp cứu.

Phần lớn vitamin tan trong nước . Chúng bao gồm thiamine (B1), riboflavin (B2), niacin (B3), pantothenic acid (B5), pyridoxine (B6), biotin (B7), folic acid (B9), cyanocobalamin (B12), và ascorbic acid hoặc vitamin C. Các vitamin tan trong nước dễ dàng được bài tiết  thay vì được tích trữ ⇒ do đó chúng chỉ gây ra một ít tác dụng độc cho dù quá liều. Trong số chúng, chỉ có  niacin, pyridoxine, và vitamin C là có độc tính. 

Niacin (B3)​,​ hoặc nicotinic acid, là một loại vitamin được sử dụng rộng rãi trong  điều trị tăng lipid máu, và khi được dùng quá nhiều sẽ gây ra các phản ứng nổi bật. Lượng hấp thụ niacin hằng ngày từ thức ăn thường ít. Liều cao gấp khoảng 100 lần được sử dụng để điều trị tình trạng tăng lipid máu và có thể gây ra các triệu chứng:  đỏ, phừng mặt, ngứa cấp tính , thứ phát sau tác dụng  gây giãn mạch của niacin, là hay gặp nhất. Dự phòng với aspirin hoặc kháng histamin​.​ Một số tác dụng kéo dài hơn của quá liều niacin bao gồm tăng glucose máu, tăng sắc tố da, tăng uric máu, rối loạn lipid máu, và độc tính lên gan. Tình trạng thiếu hụt loại vitamin này tương đối hiếm nhưng có thể gây ra bệnh  pellagra​, đặc trưng bởi tam chứng: tiêu chảy, viêm da và chứng mất trí (dementia).

Pyridoxine, vitamin B6​, dùng nhiều quá sẽ gây độc tính. Thú vị ở chỗ, cả tính trạng dư thừa quá mức hay thiếu hụt của loại vitamin này đều gây tác động xấu lên hệ thần kinh. Tình trạng thiếu hụt có thể gây bệnh lý thần kinh cảm giác ngoại biên cũng như có thể gây co giật. Điều này là do pyridoxine là  tiền chất  (precursor) của chất ức chế dẫn truyền thần kinh  GABA​. Thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng thiếu hụt loại vitamin này, đặc biệt là  isoniazid​. Điều trị đặc hiệu tình trạng co giật trong những trường hợp này đó là phục hồi nguồn pyridoxine dự trữ. Khi dùng quá nhiều, bệnh nhân có thể xuất hiện các bệnh lý thần kinh ngoại biên bán cấp và mãn tính. Bệnh nhân có thể mất cảm giác ở chân, tay và rối loạn cảm giác bản thể (proprioception) và có thể đảo ngược bằng việc dừng sử dụng vitamin. 

Vitamin C​ được tìm thấy trong hầu hết các loại trái cây, rau quả ;

nó tạo điều kiện cho quá tình  hấp thụ sắt  trong cơ thể cũng như giúp ​tổng hợp collagen . Thiếu hụt vitamin C có thể gây bệnh scurvy​, biểu hiện với tình trạng suy yếu thành mạch máu và dễ gây xuất huyết.  Đã từng có lúc người ta cho rằng việc dùng quá mức vitamin C có thể gây  sỏi thận , tuy nhiên lại chẳng có nghiên cứu chính thức nào cho thấy mối liên quan giữa hai vấn đề này. Quá liều vitamin C có thể gây nên tiêu chảy thẩm thấu, đợt cấp gout, và viêm thực quản (nếu tiếp xúc trực tiếp kéo dài với vitamin C). 

Các vitamin tan trong dầu – A, D, E, K  – không giống như nhóm tan trong nước, thường được cơ thể  dự trữ với số lượng lớn . Kết quả là, chúng sẽ tích trữ vượt mức và có tiềm năng gây độc lớn hơn. 

Với trường hợp có phản ứng phản vệ khi tiêm vitamin K tĩnh mạch là ngoại lệ, thì hầu như  việc dư thừa vitamin K chỉ gây ra một ít tác dụng độc . 

Vitamin E​ là một dưỡng chất thiết yếu, được tin rằng đóng vai trò quan trọng trong nhiều hệ cơ quan trong cơ thể và có tác dụng chống độc. Hệ thần kinh dường như sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên nếu thiếu hụt vitamin E. Sẽ xuất hiện nhiều bệnh cảnh thần kinh ngoại biên và rối loạn cảm giác vị trí (position) và rung (vibration) ⇒ dẫn đến việc bệnh nhân sẽ gặp vấn đề khi đi lại và mất thăng bằng. Khi bị ngộ độc, triệu chứng hệ tiêu hóa thường gặp đi kèm với cảm giác mệt mỏi, rối loạn thị giác, và cũng có thể là viêm tĩnh mạch huyết khối (thrombophlebitis). Nồng độ vitamin K hoạt động có thể bị suy giảm, nhưng  rối loạn đông máu  hiếm khi xảy ra trừ khi xuất hiện các  chất đối kháng vitamin K  khác. 

Vitamin A​, hay còn gọi là  retinoids​, đóng vai trò quan trọng

trong các hoạt động của cơ thể. Retinol là dạng dự trữ chính trong gan. Vitamin A được biết đến với công dụng bảo vệ da, và ở dạng khác, đóng vai trò tối quan trọng thị giác và đảm bảo cấu trúc chức năng của võng mạc. Việc thiếu hụt nó sẽ tác động lên biểu mô, dẫn đến thay đổi cấu trúc da, keratin hóa (keratinization) quá mức giác mạc (bệnh khô mắt = xerophthalmia), và rối loạn thị giác trong môi trường có ánh sáng mờ (quáng gà). Quá liều vitamin A  cũng gây ra những hậu quả không tốt. Retinoids, thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá, và  cần tránh ở phụ nữ có thai  vì chúng đã được xác định là có thể gây quái thai. Sử dụng quá mức cũng có thể gây  tăng áp lực nội sọ vô căn , hay còn được biết đến với cái tên giả u não (pseudotumor cerebri), với các triệu chứng đau đầu, phù gai thị (papilledema). Trong trường hợp ngộ độc cấp, độc tính gan có thể xuất hiện trong vài giờ hoặc vài ngày. Theo y văn kinh điển, sẽ có tình trạng rối loạn sắc tố da màu vàng cam (ngoại trừ củng mạc). Việc sử dụng quá mức vitamin A kéo dài có thể gây  xơ hóa gan​ và thậm chí là  xơ gan​. Đặc biệt, ở những khu vực  tiêu thụ nhiều gan động vật , người dân có thể xuất hiện tình trạng mất thăng bằng dáng đi tiến triển dần, đi kèm với thay đổi tính tình (mood fluctuations) và thậm chí là tâm thần (florid psychosis).

Vitamin D​ đóng vai trò trong quá trình chuyển hóa calci bằng cách tăng hấp thụ calci và kích thích chu chuyển xương (bone turnover) và giải phóng calci. Ergocalciferol, vitamin D2, và cholecalciferol, vitamin D3, là hai dạng vitamin D được tìm thấy trong cơ thể người. Cả hai đều không có hoạt tính sinh học và cần được chuyển hóa để trở thành  dạng có hoạt tính, calcitriol . Khi thiếu hụt, hệ xương bị ảnh hưởng nhiều nhất, dẫn đến chứng còi xương (ricket) ở trẻ nhỏ và chứng nhuyễn xương (osteomalacia) ở người lớn. Tác động xấu nhất của việc dưa thừa vitamin D là tình trạng  tăng calci máu​. Do đó, biểu hiện của dư thừa vitamin D chính là triệu chứng của tăng calci máu với ban đầu là yếu cơ, mệt mỏi, và mất nước. Sau đó, đau xương, kèm theo táo bón, suy thận, và thậm chí là tâm thần. Mục đích việc điều trị bao gồm ổn định tình trạng tăng calci máu và loại bỏ hết nguồn cung vitamin D và calci từ thức ăn. Thêm vào đó,  steroids ​có thể được cân nhắc vì chúng được tin rằng có thể giúp tránh tình trạng hấp thụ thêm calci từ đường ruột.

Chăm sóc cấp cứu cho những trường hợp quá liều vitamin chủ yếu là chăm sóc hỗ trợ, chấm dứt các thuốc tác nhân.  Súc rửa dạ dày (Gastric decontamination) có thể được cân nhắc trong trường hợp quá liều  vitamin A hoặc D  cấp tính với than hoạt.  Tăng calci máu do quá thừa vitamin D nên được quản lý với  dịch truyền  và lợi tiểu furosemide​. Steroids có thể được cân nhắc, nhưng dữ liệu còn hạn chế. Giả u não (Pseudotumor cerebri), đặc biệt đi kèm với phù gai thị và rối loạn thị giác, trong bối cảnh quá liều vitamin A có thể cần phải chọc dịch não tủy để chẩn đoán và điều trị.

N-acetylcysteine có thể cân nhắc trong bối cảnh ngộ độc gan cấp do nghi ngờ quá liều quá liều vitamin A.

ĐIỂM QUAN TRỌNG

  • 1. Bổ sung vitamin thường quy là không cần thiết  ở những người khỏe mạnh và phụ nữ không có thai với chế độ ăn cân bằng.
  • 2. Các vitamin tan trong nước  – các vitamin nhóm B và vitamin C – được  bài tiết dễ dàng , và do đó ít có nguy cơ gây độc khi dư thừa.
  • 3. Trong hầu hết trường hợp,  quá liều vitamin cấp thường biểu hiện nhẹ nhàng . Độc tính nặng nề thường gặp hơn trong những trường hợp quá liều vitamin trên ngưỡng sinh lý kéo dài​.
  • 4. Điều trị quá liều vitamin chủ yếu là  hỗ trợ  và​ chấm dứt tất cả các thuốc tác nhân.
  • 5. Quản lý các biến chứng của quá liều vitamin, ví dụ, tăng calci máu và giả u, nên tuân theo các phương pháp điều trị chuẩn.
1 lượt xem | 0 bình luận
YHOVN
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar