Tổn Thương Tai Và Vết Rách Tai
  1. Home
  2. Cấp cứu
  3. Tổn Thương Tai Và Vết Rách Tai
YHOVN 1 năm trước

Tổn Thương Tai Và Vết Rách Tai

ANAS SAWAS, MD, MPH, MS AND ERIC J. MORLEY, MD, MS, FAAEM

Tổn thương tai thường xảy ra do chấn thương kín hoặc bị động vật có vú cắn. Điều trị thích hợp các vết thương này là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Đường viền không đều của tai, cung cấp máu và cấu trúc sụn bên dưới có thể làm cho những chấn thương này khó điều trị. Thật không may, hiện thiếu các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng để hướng dẫn chăm sóc những vết thương này tại khoa cấp cứu (ED).

Một trong những bước đầu tiên trong việc đánh giá tổn thương tai là xác định xem sụn đã tổn thương hay bị lộ ra chưa. Khi có tổn thương sụn, thì tổn thương nên được phân loại thành lóc/đứt (avulsion) hoàn toàn hoặc không hoàn toàn. Cần hội chẩn bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc tai mũi họng (ENT) khẩn cấp khi bị lóc hoàn toàn. Các mô bị lóc nên được gắn lại càng nhanh càng tốt. Các mô bị tách rời có thể được làm sạch bằng nước muối lạnh, nhưng điều này được thực hiện tốt nhất khi đã thảo luận với bác sĩ chuyên khoa. Cũng nên hội chẩn đối với những trường hợp tổn thương lóc một phần có kèm các cuống rất nhỏ của mô.

Quyết định sửa chữa tổn thương tai ngoài tại ED phụ thuộc vào mức độ mất mô, thời gian trôi qua kể từ khi bị thương và có bất kỳ tổn thương nào liên quan. Việc sửa chữa tổn thương và vết rách tai thích hợp đòi hỏi phải gây tê phù hợp. Các vết rách nhỏ có thể gây tê cục bộ với lidocaine. Theo truyền thống dạy thì cần tránh việc sử dụng epinephrine trong khu vực này. Tuy nhiên, cầm máu là rất quan trọng để sửa chữa và ngăn ngừa tụ máu ở tai. Có bằng chứng cho thấy epinephrine không dẫn đến các biến chứng khi được sử dụng để sửa chữa các tổn thương tai. Gây tê vùng tai (regional auricular block) có thể được chỉ định cho các vết rách lớn hoặc phức tạp. Trẻ em và bệnh nhân không hợp tác có thể đòi hỏi thủ thuật an thần để được sửa chữa đúng cách.

Bác sĩ cấp cứu (EP) có thể xem xét khâu lành kỳ đầu nếu phần tai bị tổn thương nằm trên một cuống rộng và có biểu hiện làm đầy mao mạch vùng xa tốt. Các màng sụn và lớp dưới da nên được khâu kín với chỉ khâu tự tiêu. Da nên được khâu với chỉ khâu không tiêu 5-0 hoặc 6-0 (ví dụ, nylon hoặc polypropylene). Chỉ khâu tự tiêu nhanh 5-0 hoặc 6-0 có thể được chấp nhận ở trẻ em khi lo ngại việc loại bỏ nó sẽ khó khăn. Sử dụng tai còn lại để so sánh sẽ giúp hướng dẫn việc sửa chữa tai bị tổn thương. Bệnh nhân nên được chuyên gia theo dõi sau khi đã khâu lành kỳ đầu, vì việc sửa chữa có thể được sửa đổi nếu kết quả thẩm mỹ không đạt yêu cầu.

Cho phép vết thương tai lành thứ phát có thể là thích hợp ở những bệnh nhân chọn lọc, cụ thể là bệnh nhân đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, hoặc vết thương nhiễm bẩn nặng. Các vết thương nhỏ đến các phần lõm của tai (conchal bowl và antihelix) lành thứ phát đặc biệt tốt, miễn là xung quanh còn nguyên vẹn để hỗ trợ về cấu trúc. Vết thương đòi hỏi rửa với nhiều dịch ngay cả khi không thực hiện khâu lành kỳ đầu. Ngoài ra, vết thương nên được bao phủ bằng thuốc mỡ kháng khuẩn và bất kỳ lớp ngoài nào bị loại bỏ. Nên tránh lớp sụn bị lộ, vì lớp da bên dưới cung cấp mạch máu cho nó. Bệnh nhân không đóng vết thương tại ED nên được chuyển cho bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc ENT để theo dõi trong vòng 1 đến 2 ngày.

Các biến chứng chính của tổn thương tai là nhiễm trùng, tụ máu, và thẩm mỹ kém. Hãy cân nhắc kháng sinh cho bệnh nhân tiểu đường, suy giảm miễn dịch, hóa trị hoặc corticosteroid, hoặc nếu bệnh nhân bị thương tích do người hoặc động vật cắn. EP cũng nên xem xét kháng sinh cho các tổn thương bị nhiễm bẩn hoặc bị ẩm (maceration: da mềm và bị phá vỡ do tiếp xúc lâu dài với độ ẩm). Máu tụ tai thường là kết quả của chấn thương kín vào tai ngoài. Phần da bám vào màng sụn sẽ cung cấp máu cho sụn, và là phần giải phẫu duy nhất của tai không cho phép mở rộng đáng kể mô dưới da. Máu tích tụ trong khoang dưới màng sụn (subperichondrial space) và phá vỡ nguồn cung cấp máu cho sụn bên dưới. Để ngăn chặn hình thành tụ máu tai, hãy xem xét đặt một băng gạc áp lực (pressure dressing) sau khi khâu vết thương và nói cho bệnh nhân những hướng dẫn chính xác để trở lại khi có bất kỳ dấu hiệu nào của sưng nề. Máu tụ nên được lấy ra càng sớm càng tốt để ngăn chặn sự phát triển xơ sụn quá mức và biến dạng tai. Hai phương pháp tiếp cận đã được mô tả trong tài liệu để hướng dẫn cho việc dẫn lưu máu tụ. Nói chung, các khối máu tụ nhỏ hơn có thể được hút bằng kim tiêm, trong khi các tụ máu lớn hơn nên được rạch và dẫn lưu. Sau khi dẫn lưu, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên ít nhất 1 tuần để đảm bảo không tái phát. Tụ máu hơn 7 ngày nên được chuyển đến cho chuyên gia.

ĐIỂM QUAN TRỌNG

  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc ENT cho các tổn thương lóc/đứt hoàn toàn.
  • Đảm bảo tất cả sụn được che phủ bằng băng gạc loại wet to dry (wet to dry dressing) sau khi sửa chữa. Những băng gạc này nên được thay hàng ngày cho đến khi khám bác sĩ chuyên khoa.
  • Nhiều vết rách nhỏ vào phần lõm của tai có thể cho phép để lành thứ phát miễn là cấu trúc hỗ trợ xung quanh còn nguyên vẹn.
  • Kháng sinh được khuyến cáo trong vết thương cắn và nên được cân nhắc mạnh mẽ ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
  • Tất cả bệnh nhân bị rách tai được khâu tại ED nên được chuyển đến bác sĩ ENT hoặc phẫu thuật thẩm mỹ để theo dõi.
2 lượt xem | 0 bình luận
YHOVN
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar