Lưu Ý  Hội Chứng Chèn Ép Khoang Bụng Ở Những Bệnh Nhân Tụt Huyết Áp Kháng Trị
  1. Home
  2. Cấp cứu
  3. Lưu Ý  Hội Chứng Chèn Ép Khoang Bụng Ở Những Bệnh Nhân Tụt Huyết Áp Kháng Trị
YHOVN 1 năm trước

Lưu Ý  Hội Chứng Chèn Ép Khoang Bụng Ở Những Bệnh Nhân Tụt Huyết Áp Kháng Trị

CINDY H. HSU, MD, PHD

Một người đàn ông 54 tuổi có tiền sử nghiện rượu vào Khoa Cấp cứu (ED) vì đau bụng dữ dội và tụt huyết áp. Bạn nhanh chóng chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy cấp và bắt đầu hồi sức bằng dịch tinh thể.  Sau vài lít dịch truyền tĩnh mạch và sử dụng thuốc vận mạch, bệnh nhân vẫn tụt huyết áp kèm chướng bụng tăng dần, thở nhanh, và thiểu niệu.

Tăng áp lực ổ bụng (IAH) và hội chứng chèn ép khoang bụng (ACS) ngày càng được nhận ra ở những bệnh nhân nặng tại ED và ICU. Tiếc là, chẩn đoán IAH hoặc ACS thường bị trì hoãn, hoặc bỏ lỡ, do sự phức tạp của biểu hiện lâm sàng và những hạn chế của thăm khám. Chẩn đoán muộn IAH hoặc ACS dẫn đến biến chứng nặng hoặc thậm chí tử vong.

Năm 2004, một nhóm các bác sĩ và phẫu thuật viên quốc tế đã thành lập tổ chức quốc tế về hội chứng Chèn Ép Khoang bụng (World Society of the Abdominal Compartment Syndrome – WSACS) nhằm thúc đẩy nghiên cứu, tổng hợp các tài liệu và đưa ra các hướng dẫn để phát hiện, phòng ngừa và điều trị IAH và ACS. Điều quan trọng trong việc nhận ra và chẩn đoán IAH và ACS là phát hiện sự gia tăng áp lực ổ bụng (intra-abdominal pressure – IAP). IAP là áp lực hằng định bên trong ổ bụng. IAP bình thường ~ 5 đến 7 mm Hg. IAH được xác định bởi sự tăng IAP duy trì, hoặc lặp đi lặp lại, lớn hơn hoặc bằng 12 mm Hg. IAH được phân thành bốn độ: Độ I, IAP 12 đến 15 mm Hg; Độ II, IAP 16 đến 20 mmHg; Độ III, IAP 21 đến 25 mm Hg; và Độ IV, IAP> 25 mm Hg.

ACS là IAP duy trì > 20 mm Hg kết hợp với suy/ rối loạn chức năng cơ quan mới xuất hiện. ACS có thể được phân thành nguyên phát, thứ phát, hoặc tái diễn, tùy thuộc vào nguyên nhân và thời gian. ACS nguyên phát có đặc điểm IAH là hậu quả của một nguyên nhân tại ổ bụng (chấn thương hoặc sau phẫu thuật bụng) và thường đòi hỏi can thiệp phẫu thuật hoặc xạ trị sớm. ACS thứ phát đề cập đến tình trạng không xuất phát từ ổ bụng và thường thấy ở những bệnh nhân hồi sức dịch ồ ạt. ACS tái diễn đề cập đến tình trạng ACS tái phát sau điều trị trước đó bằng phẫu thuật hoặc nội khoa.

Đo áp lực bàng quang đơn giản, tiết kiệm và vẫn là tiêu chuẩn vàng để xác định IAP. Đo áp lực bàng quang nên được thực hiện vào cuối thì thở ra với bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa. Mốc Zero: đường nách giữa ở mào chậu. Khoảng 25 mL nước muối được bơm vào bàng quang. Để cho phép cơ bàng quang giãn, đo IAP 30 đến 60 giây sau khi bơm nước muối. Điều quan trọng là phải đảm bảo không có sự co cơ bụng, vì có thể làm tăng IAP giả tạo. Đo IAP khoảng 4 giờ một lần; tuy nhiên, có thể được thực hiện trong những khoảng thời gian ngắn hơn nếu IAP> 12 mm Hg. WSACS khuyến cáo phương pháp để theo dõi và đo IAP nếu bệnh nhân có hai hoặc nhiều hơn các yếu tố nguy cơ ACS (Bảng 40.1) hoặc có suy cơ quan mới/ tiến triển.

Adapted from Kirkpatrick AW, Roberts DJ, De waele J, et al. Intra-abdominal hypertension and the abdominal compartment syndrome: Updated consensus definitions and clinical practice guidelines from the World Society of the Abdominal Compartment Syndrome. Intensive Care Med. 2013;39(7):1190–1206.

Khi IAH hoặc ACS được chẩn đoán, phải tiến hành điều trị hoặc phẫu thuật phù hợp để giảm IAP. Các phương pháp điều trị do WSACS đề xuất để giảm IAP được liệt kê trong Hình 40.1. Nếu IAP vẫn> 20 mm Hg có rối loạn chức năng cơ quan dai dẳng mặc dù đã điều trị nội khoa, phẫu thuật giải áp nên được thực hiện ngay.

Hình 40.1 Phác đồ quản lý IAH/ACS. Adapted from

Kirkpatrick AW, Roberts DJ, De waele J, et al. Intra-abdominal hypertension and the abdominal compartment syndrome: Updated consensus definitions and clinical practice guidelines from the World Society of the Abdominal Compartment Syndrome. Intensive Care Med. 2013;39(7):1190–1206.

ĐIỂM QUAN TRỌNG

  • Thăm khám lâm sàng không nhạy với chẩn đoán IAH hoặc ACS.
  • Đo áp lực bàng quang cho bệnh nhân có nguy cơ cao để phát hiện IAH và ACS.
  • Xác định loại IAH để hướng dẫn điều trị giảm IAP.
  • Các can thiệp hoặc phẫu thuật kịp thời là rất quan trọng để giảm IAP và dự phòng ACS.
  • ACS kháng trị phải tiến hành phẫu thuật giải áp kịp thời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Harrisson SE, Smith JE, Lambert AW, et al. Abdominal compartment syndrome: An emergency department perspective. Emerg Med J. 2008;25(3):128–132.

Kirkpatrick AW, Roberts DJ, De waele J, et al. Intra-abdominal hypertension and the abdominal compartment syndrome: Updated consensus definitions and clinical practice guidelines from the World Society of the Abdominal

Compartment Syndrome. Intensive Care Med. 2013;39(7):1190–1206.

Papavramidis TS, Marinis AD, Pliakos I, et al. Abdominal compartment syndrome — Intra-abdominal hypertension: Defining, diagnosing, and managing. J

Emerg Trauma Shock. 2011;4(2):279–291. WSACS—the Abdominal Compartment Society. Education. Available at: https://www.wsacs.org/education.html. Accessed September 6, 2015.

1 lượt xem | 0 bình luận
YHOVN
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar