Thay Thế Khối Hồng Cầu: Biện Pháp Cuối Cùng
  1. Home
  2. Cấp cứu
  3. Thay Thế Khối Hồng Cầu: Biện Pháp Cuối Cùng
YHOVN 1 năm trước

Thay Thế Khối Hồng Cầu: Biện Pháp Cuối Cùng

TARLAN HEDAYATI, MD, FACEP

Thực tiễn hiện nay ở Hoa Kỳ đòi hỏi phải thay thế máu bị mất bằng các chế phẩm máu và / hoặc dịch trong điều trị xuất huyết. Việc tìm kiếm chất thay thế máu hoàn hảo đã được tiến hành gần một thế kỉ. Triển vọng của việc loại bỏ tình trạng thiếu máu, lây truyền bệnh liên quan đến truyền máu, và phản ứng kháng nguyên –  kháng thể khi truyền máu đã thúc đẩy nghiên cứu và cố gắng phát triển một chất thay thế phù hợp. Thật không may, hiện nay không có chất thay thế máu vận chuyển oxy nào được Food and Drug Administration (FDA) chấp thuận.

Tại Khoa cấp cứu (ED), lượng máu mất thường được thay thế bước đầu bởi dung dịch tinh thể, như normal saline hoặc lactated Ringer. Tuy nhiên, trong khi dịch có thể bù lại thể tích mất và cải thiện huyết áp, nó không thể thay thế đầy đủ cho máu; do không thể thay thế khả năng vận chuyển oxy của hemoglobin. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng bệnh nhân chấn thương được bù dịch tích cực thường có kết cục xấu hơn những người được bù dịch ít hơn hoặc được truyền các chế phẩm máu trước đó. Việc sử dụng dịch tinh thể tích cực dẫn tới pha loãng máu, quá tải thể tích, nhiễm toan, rối loạn đông máu, và hạ thân nhiệt.

Dung dịch muối ưu trương có thể được sử dụng trong chấn thương sọ não hoặc tăng áp lực nội sọ. Lựa chọn khác để thay thế thể tích mất là các dung dịch keo, như hydroxyethyl starch (HES), albumin, dextran và gelatin. HES, một dạng dung dịch keo tổng hợp, không được chứng minh là vượt trội hơn so với dịch tinh thể và có liên quan đến chức năng thận xấu đi cũng như tổn thương thận cấp, được cho là do gia tăng lọc cầu thận. Tương tự, sự gia tăng creatinin xảy ra ở những bệnh nhân dùng dextran. Gelatin có thể gây phản vệ, tăng natri máu, và hạ huyết áp thứ phát do bradykinin. Albumin, lấy từ huyết tương người, là một loại chất keo protein, không cho thấy vượt trội hơn so với dịch tinh thể như một chất làm tăng thể tích, có liên quan đến gia tăng tỷ lệ tử vong trong một số nghiên cứu, tốn kém, và lợi ích hạn chế. Albumin có liên quan đến hạ huyết áp nếu truyền nhanh, suy tim sung huyết cấp ở những bệnh nhân có nguy cơ và khả năng lây truyền prion. Nó nên được coi là “lựa chọn hàng thứ ba” sau khi dịch tinh thể và chất keo non – protein đã được sử dụng ở liều tối đa.

Truyền máu tự thân, hoặc thu thập và truyền lại máu của bệnh nhân, là một cách thay thế khả thi cho việc truyền máu từ người hiến. Điều này đặc biệt hữu ích trước khi tiến hành thủ thuật ngoại khoa nếu nhu cầu máu được xác định trước thời hạn. Khối hồng cầu (PRBC) có thời hạn bảo quản khoảng 35 ngày, cho phép thu thập và lưu trữ nhiều đơn vị máu trước khi tiến hành thủ thuật. Tại ED, truyền máu tự thân thường được thực hiện ở bệnh nhân tràn máu màng phổi, đòi hỏi phải đặt ống dẫn lưu ngực, sử dụng thiết bị thu gom đặc biệt để truyền máu tự thân. Ưu điểm của truyền máu tự thân so với PRBC được hiến là: ngay lập tức có máu; không nguy cơ lây truyền bệnh hoặc phản ứng truyền máu do không tương thích; đã được làm ấm; có khả năng chuyên chở oxy tốt hơn; không gây ra những bất thường về điện giải như hạ canxi máu, tăng kali máu, hoặc nhiễm toan; chứa tiểu cầu và các yếu tố đông máu; và chấp nhận được đối với những bệnh nhân không đồng ý truyền máu dị thân (do vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo hay các lý do cá nhân khác). Các nguy cơ truyền máu tự thân bao gồm nhiễm trùng thứ phát, đặc biệt ở những bệnh nhân có vết thương thấu ngực và thuyên tắc khí.

Cuối cùng, với các bệnh lý mạn tính như thiếu máu do bệnh thận mạn, hóa trị, và các thuốc ARV, có thể sử dụng các yếu tố tăng trưởng như epoetin alpha để tăng hemoglobin. Phải mất vài tuần mới có thể thấy được sự gia tăng hemoglobin từ việc sử dụng epoetin và do đó không phải là phương pháp thay thế thích hợp cho truyền máu ở bệnh nhân thiếu máu có triệu chứng hoặc xuất huyết cấp tính.

KEY POINTS 

  • Hiện tại không có sản phẩm thay thế máu vận chuyển oxy nào được chấp thuận và sẵn có trên thị trường.
  • Khi có thể, nên dùng truyền máu tự thân và thu hồi tế bào để thay thế các tế bào hồng cầu bị mất.
  • Bù dịch ban đầu có thể được thực hiện bằng dịch tinh thể, nhưng nó không thể thay thế khả năng vận chuyển oxy của máu và có thể gây pha loãng máu, quá tải thể tích, rối loạn đông máu và nhiễm toan
1 lượt xem | 0 bình luận
YHOVN
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar