Gãy Xương Gót? Đừng Bỏ Sót Tổn Thương!
  1. Home
  2. Cấp cứu
  3. Gãy Xương Gót? Đừng Bỏ Sót Tổn Thương!
YHOVN 1 năm trước

Gãy Xương Gót? Đừng Bỏ Sót Tổn Thương!

SARA KHAGHANI, MD, MPH

Gãy xương gót rất cần xác định nhanh chóng. Tỷ lệ gãy xương gót là 11,5 / 100.000, tương ứng nam / nữ là 2,4: 1. Những trường hợp này có tỷ lệ biến chứng cấp tính và dài hạn cao. Chúng thường là kết quả của chấn thương tác động cao, thường xảy ra nhất sau chấn thương dọc trục ở chân sau khi ngã (hoặc nhảy!) từ 6 feet trở lên. Trong một nghiên cứu, 72% gãy xương gót xảy ra sau khi ngã.

Phim thẳng là lựa chọn ban đầu để xác nhận sự hiện diện của gãy xương gót. Phim trục và bên (Harris) cũng như phim trước sau (AP) bàn chân nên được chỉ định. Chụp Xquang bổ sung hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể được yêu cầu để xác định thêm mức độ gãy. CT thường được sử dụng trong các trường hợp gãy nội khớp. Gãy nội khớp có tiên lượng kém hơn vì chúng ảnh hưởng khớp dưới sên. Nên hội chẩn với các bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình để có hướng xử trí thích hợp.

Gãy xương hở, bất kỳ tổn thương thần kinh – mạch máu nào, gãy xương với trật khớp và hội chứng chèn ép khoang cấp tính là những biến chứng đòi hỏi phải hội chẩn các chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình cấp cứu. Điều quan trọng cần lưu ý là hoại tử da, thường có thể xảy ra khi có sự dịch chuyển ra sau của xương gót.

Xử trí ban đầu của gãy xương gót bao gồm nâng cao chi, cũng như chườm lạnh. Nên sử dụng băng vết thương áp lực lớn (cũng được gọi là bulky Jones splint). Tất nhiên, giảm đau được chỉ định. Kiểm tra da thường xuyên được yêu cầu để đánh giá khả năng hoại tử da và hội chứng chèn ép khoang. Phẫu thuật có thể được chỉ định cho các trường hợp gãy di lệch và gãy vụn có liên quan đến các khe khớp của bàn chân.

Có tới 50% bệnh nhân gãy xương gót có các tổn thương khác kèm theo. Các tổn thương thương phối hợp thường gặp nhất là ở chi dưới (13,2%) và cột sống ngực – thắt lưng (6,3%). Ngoài ra, khoảng 5% bệnh nhân bị gãy xương gót hai bên. Do đó, điều quan trọng là phải thực hiện thăm khám cẩn thận từ đầu tới ngón chân, cả xương trục và xương chi và khám thần kinh bao gồm chức năng vận động, cảm giác, phản xạ và cảm giác vị trí. Ở những bệnh nhân có cơ chế chấn thương năng lượng cao hoặc có các dấu hiệu của tổn thương khi thăm khám, chẩn đoán hình ảnh xương trục (ví dụ: Xquang hoặc CT cột sống ngực – thắt lưng) là cần thiết. CT có độ nhạy cao hơn để phát hiện gãy cột sống.

KEY POINTS 

  • Gãy xương gót thường do chấn thương tác động cao như ngã từ độ cao lớn, và có liên quan đến các tổn thương khác.
  • Cần kiểm tra cẩn thận xương gót hai bên, cột sống ngực – thắt lưng, và chi dưới.
  • Chẩn đoán hình ảnh ban đầu thích hợp để đánh giá gãy xương gót bao gồm phim trục và bên (Harris) của xương gót, cũng như phim AP của bàn chân.
  • Các bác sĩ lâm sàng nên lưu tâm đến hội chứng chèn ép khoang và hoại tử da bàn chân do gãy xương gót. Hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình khẩn cấp có thể cần thiết.
0 lượt xem | 0 bình luận
YHOVN
Tác giả vẫn chưa cập nhật trạng thái

Avatar