An toàn bức xạ cho nhân viên phòng cathlab
Môi trường phòng Cathlab cần được bảo đảm an toàn về bức xạ một cách tốt nhất có thể cho các nhân viên và bệnh nhân. Vì các tia xạ không thể thấy hoặc cảm nhận hay nghe được, nên rất dễ có sự lơ là, chểnh mảng trong việc sử dụng các biện pháp bảo vệ thích hợp. Theo Hiệp hội Chụp và Can thiệp Tim mạch (SCAI – Society for Cardiac Angiography and Intervention), tiêu chuẩn về an toàn bức xạ gồm có 4 nguyên tắc cơ bản:
- Phơi nhiễm càng ít, khả năng bị tác dụng phụ do hấp thụ tia càng giảm.
- Chưa có mức liều bức xạ nào được xác nhận là mức cho phép hoặc an toàn tuyệt đối.
- Việc phơi nhiễm bức xạ có tính chất tích lũy cộng dồn. Không có khái niệm về thải trừ tia.
- Tất cả các nhân viên làm việc trong phòng Cathlab đều là những người tự nguyện chấp nhận nguy cơ phơi nhiễm bức xạ. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, mỗi nhân viên y tế luôn cần phải hạn chế tối đa nguy cơ độc hại cho các đồng nghiệp cũng như chính bản thân mình.
Nguồn của bức xạ là các tia X sơ cấp phát ra từ đầu phát tia nằm phía dưới bàn can thiệp, hướng lên trên, xuyên qua bệnh nhân và đến màn hình tăng sáng. Các tia tán xạ từ chùm tia sơ cấp này gây phơi nhiễm cho tất cả người và đồ vật xung quanh, với mức độ phơi nhiễm tỉ lệ nghịch với khoảng cách từ đối tượng cho đến nguồn phát. Mức độ nhiễm xạ từ các tia tán xạ này càng tăng hơn nữa khi đầu đèn được chỉnh ở góc nghiêng, càng nghiêng nhiều sẽ làm tăng thêm lượng bức xạ tán xạ. Cần sử dụng các tấm chắn bằng acrylic và tấm chì treo bàn để giảm lượng tia tán xạ này.
Thao tác soi (fluoroscopy) tạo ra lượng tia phơi nhiễm chỉ bằng một phần năm so với thao tác chụp (cineangiography). Việc sử dụng nhiều thao tác chụp trong các ca can thiệp phức tạp làm tăng thêm mức độ phơi nhiễm, cần chú ý điều này trong các ca đòi hỏi thực hiện thủ thuật kéo dài + kỹ thuật phức tạp, vd: can thiệp mạch vành, sửa van tim, điện sinh lý.
Tất cả các phòng lab tim mạch can thiệp đều nên có một chính sách bảo đảm an toàn bức xạ riêng, phù hợp với tình hình khoa đó. Chính sách bao gồm:
- Theo dõi thường qui mức độ phơi nhiễm của các nhân viên phòng Lab.
- Thường xuyên huấn luyện cho nhân viên y tế về an toàn bức xạ.
- Thực hiện các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên y tế về nguy cơ của phơi nhiễm phóng xạ.
- Tất cả các nhân viên y tế trong phòng Lab đều cần phải đeo đồ bảo hộ.
- Xây dựng các quy trình nhằm đánh giá độ an toàn của đồ bảo hộ, vd: liều tia X phát ra, độ toàn vẹn của áo chì + miếng giáp cổ.
II. ĐỊNH NGHĨA VỀ ĐƠN VỊ BỨC XẠ:
– Liều chiếu bức xạ: Roentgen (R) là đại lượng đo lường sự ion hóa tại một vị trí nhất định (phơi nhiễm). Một phim X-quang ngực tương đương với 3-5 mR.
– Liều bức xạ hấp thu: Radiation absorbed dose (rad) là mức năng lượng bức xạ truyền cho một đơn vị khối lượng mô.
Mức năng lượng này tùy thuộc vào từng loại mô. Với mô mềm, 1 R = 1 rad; với mô xương, 1 R = 4 rad (nghĩa là mức hấp thu lớn hơn).
Đơn vị thường dùng hiện nay là Gray (Gy). 1 Gy bằng liều bức xạ gây hấp thu năng lượng 1 J trên 1 kg vật chất. 1 Gy = 100 rad.
– Liều hấp thụ tương đương: Roentgen in man (rem) là đại lượng biểu hiện mức gây tác động sinh học lên con người của một phơi nhiễm bức xạ.
Với bức xạ tia X, 1 rad = 1 rem.
Đơn vị khác thường dùng hiện nay là Sievert (Sv). 1 Sv = 1 rem.
* Giới hạn liều bức xạ:mặc dù chưa xác định được mức phơi nhiễm bức xạ gây nguy cơ, Hồi đồng quốc gia về Đo lường và An toàn Bức xạ Hoa Kỳ (National Council on Radiation Protection and Measurements) giới hạn liều phơi nhiễm xạ là không quá 3 rem cho một chu kỳ 3 tháng.
III. MỘT SỐ DỤNG CỤ BẢO HỘ:
1. Áo chì + miếng giáp cổ:
Các áo giáp chì nên dùng lớp chì với độ dày 0.5 mm. Nếu giữ gìn cẩn thận, áo giáp này có thể sử dụng trong nhiều năm. Lưu ý rằng lớp chì này có thể nứt hoặc gãy theo thời gian, nhất là khi bảo quản không cẩn trọng. Các áo giáp nên được treo lên với móc và giá kim loại chắc chắn sau khi sử dụng. Việc thường xuyên quăng áo bừa bộn lên ghế hoặc băng ca sẽ làm lớp chì mau hỏng.
Để kiểm tra sự nguyên vẹn của lớp chì, các áo chì có thể được soi đánh giá dưới màn hình tăng sáng ít nhất mỗi năm một lần, và có sổ sách ghi nhận về tình trạng của từng chiếc áo. Để làm được điều này, cần có cách đánh dấu phân biệt mỗi chiếc áo với nhau (bằng số, màu hoặc tên).
Với đặc thù công việc trong phòng Cathlab, nhân viên không phải lúc nào cũng có thể giữ tư thế hướng mặt về nguồn phát tia. Do đó, nên sử dụng loại áo chì bao bọc xung quanh thân người, đủ dài để phủ được xương đùi, kéo tới đầu gối hoặc qua gối. Vì tầm quan trọng của việc mặc đồ bảo hộ kích cỡ phù hợp, nhiều nơi tiến hành lấy số đo nhân viên để đảm bảo phục trang vừa vặn. Lưu ý tránh việc các áo giáp bị gập lại khi để trên ghế dựa hoặc ghế dài, dẫn tới nứt/gãy lớp chì, tốt nhất là treo lên giá khi không sử dụng.
Ngoài sử dụng áo chì, miếng giáp cổ cũng quan trọng và cần thiết, vì tuyến giáp đặc biệt nhạy cảm với các tia bức xạ. Việc bảo quản miếng giáp cổ tương tư như áo chì, cần cất cẩn thận và kiểm tra định kỳ dưới màn hình tăng sáng.
2. Mắt kính chì:
Phơi nhiễm bức xạ với cường độ lên đến 200 rad trong một lần có thể dẫn tới xuất hiện đục thủy tinh thể ở người. Mắt kính có lớp bảo vệ tương đương 0.5-0.75 mm chì nên được sử dụng ở tất cả các nhân viên phòng Lab tiếp xúc với tia xạ hàng ngày.
Loại kính có chứa 0.5 mm chì bảo vệ tốt hơn kính thường gấp 4 lần. Loại tròng kính đổi màu theo ánh sáng bảo vệ tốt hơn kính thường gấp 2 lần. Tròng kính bằng nhựa plastic không có tác dụng bảo vệ khỏi tia xạ.
Mắt kính chống tia xạ nên được tích hợp thêm miếng chắn xung quanh vùng mắt, điều này không chỉ giúp chống xạ mà còn giúp bảo vệ khỏi các giọt bắn của máu trúng vào mắt.
3. Liều kế:
Tất cả nhân viên y tế đều cần đeo liều kế khi làm việc trong phòng Cathlab. Để việc đo bức xạ được chính xác, mỗi liều kế nên được sử dụng riêng cho chỉ một người. Không bao giờ để liều kế (trên ghế hoặc treo vào áo không sử dụng) ở khu vực mà có khả năng đang phơi nhiễm tia X. Khi không sử dụng, các liều kế nên cất ở một nơi mà chắc chắn không có tia bức xạ.
Cuối mỗi tháng, các liều kế sẽ được thu thập và gửi đi phân tích. Báo cáo hàng tháng sẽ cho thấy mức độ phơi nhiễm của mỗi nhân viên y tế trong tháng đó. Thông tin này cần được đánh giá hàng tháng bởi trưởng lab và nhân viên an toàn bức xạ, cũng như dán trên bảng thông báo khoa để mỗi nhân viên tự theo dõi được tình trạng phơi nhiễm của mình.
IV. CÁC BIỆN PHÁP HẠN CHẾ PHƠI NHIỄM:
- Mặc áo giáp chì (tốt nhất là loại bao bọc xung quanh thân người): độ dày 0.5 mm hoặc hơn bảo vệ được 80%.
- Hạn chế thời gian soi và chụp (thao tác chụp gây phơi nhiễm gấp nhiều lần hơn thao tác soi).
- Sử dụng ống chuẩn trực (collimators).
- Giảm thiểu khoảng cách từ nguồn tia X đến bệnh nhân.
- Giữ khoảng cách tối đa có thể giữa nguồn tia X với thủ thuật viên và các nhân viên hỗ trợ.
- Chỉnh mức miliampe trên mỗi kilovolt thấp nhất có thể với chất lượng hình ảnh thích hợp.
- Chỉnh đầu đèn tốt, đẩy bàn ở tốc độ chậm vừa phải. Các góc nghiêng nhiều có thể làm tăng gấp đôi lượng bức xạ.
- Hạ màn hình tăng sángthấp nhất có thể.
- Sử dụng thêm các đồ chắn hỗ trợ.
Phơi nhiễm bức xạ trong các ca can thiệp mạch máu cao hơn so với ca chụp chẩn đoán. Nếu sử dụng cẩn thận các dụng cụ chắn, mức độ phơi nhiễm trong những ca can thiệp 1 hoặc 2 nhánh mạch máu có thể gần tương đương với ca chụp chẩn đoán. Mức độ phơi nhiễm thường tăng cao hơn khi sử dụng phương pháp chụp 2 bình diện (biplane angiography).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Morton J. Kern, Paul Sorajja, Michael J.Lim (2016).The Cardiac Catheterization Handbook, 6th edition, Elsevier.
- TS.BS. Tạ Mạnh Cường, Viện Tim mạch Việt Nam (2010).An toàn bức xạ trong thực hành tim mạch, Bệnh học tim mạch Việt Nam. http://cardionet.vn/an-toan-buc-xa-trong-thuc-hanh-tim-mach.htm#.XuRpKUBuLcs
CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ:
1. Tiêu chuẩn về an toàn bức xạ theo SCAI: (chọn câu SAI)
a. Phơi nhiễm càng ít, khả năng bị tác dụng phụ do hấp thụ tia càng giảm.
b. Chưa có mức liều bức xạ nào được xác nhận là mức cho phép hoặc an toàn tuyệt đối.
c. Việc phơi nhiễm bức xạ không có tính chất tích lũy cộng dồn. Không có khái niệm về thải trừ tia.
d. Trong quá trình làm việc, mỗi nhân viên y tế luôn cần phải hạn chế tối đa nguy cơ độc hại cho các đồng nghiệp cũng như chính bản thân mình.
2. Đơn vị nào dưới đây là đại lượng đo lường cho liều hấp thụ tương đương?
a. Roentgen (R).
b. Radiation absorbed dose (rad).
c. Gray (Gy).
d. Roentgen in man (rem).
3. Biện pháp nào dưới đây KHÔNG phải là biện pháp hạn chế phơi nhiễm bức xạ?
a. Hạn chế thời gian soi, tăng thời gian chụp.
b. Sử dụng ống chuẩn trực (collimators).
c. Giữ khoảng cách tối đa có thể giữa nguồn tia X với thủ thuật viên và các nhân viên hỗ trợ.
d. Hạ màn hình tăng sángthấp nhất có thể.
4. Các chính sách cần áp dụng để đảm bảo an toàn bức xạ trong phòng Lab
a. Theo dõi thường qui mức độ phơi nhiễm của các nhân viên phòng Lab.
b.Thường xuyên huấn luyện cho nhân viên y tế về an toàn bức xạ.
c. Thực hiện các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên y tế về nguy cơ của phơi nhiễm phóng xạ.
d. Tất cả các nhân viên y tế trong phòng Lab đều cần phải đeo đồ bảo hộ.
e. Tất cả các ý trên
5. Liều kế được định lỳ đưa đi đo mỗi bao lâu
a. 1 tháng
b. 2 tháng
c. 3 tháng
d. 4 tháng
Đáp án: 1. c 2. d 3. a 4. e 5. D