LOÃNG XƯƠNG, HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG
LOÃNG XƯƠNG, HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG
Nhân câu chuyện chị bệnh nhân yêu cầu tôi điều trị loãng xương cho chị, tôi muốn nói một chút về bệnh loãng xương và điều trị loãng xương.
Loãng xương là khi các thớ xương bị mất đi, làm cho xương không còn cứng, chắc, dễ gãy. Các xương dễ bị gãy nhất là xương cột sống, cổ xương đùi, xương cổ tay. Trong đó, gãy cổ xương đùi và gãy xương đốt sống là nguy hiểm.
Có 2 quá trình luôn diễn biến trong cơ thể chúng ta, đó là quá trình SINH XƯƠNG, là các tế bào xương mới được sinh ra, và quá trình HỦY XƯƠNG, là các tế bào xương bị tiêu hủy đi. ở tuổi trẻ, quá trình sinh xương mạnh mẽ hơn. Khi trưởng thành, hai quá trình này cân bằng. Đến tuổi trung niên, hủy xương chiếm ưu thế hơn.
Có 3 loại loãng xương. Loãng xương NGUYÊN PHÁT, là loãng xương do giảm khả năng sinh xương. Loãng xương THỨ PHÁT là loãng xương xảy ra sau khi mắc các bệnh khác, làm mất đi các chất tạo xương, hoặc tác động đến quá trình tạo và hủy xương. Và loãng xương SAU MÃN KINH, xảy ra ở phụ nữ sau khi mãn kinh, là loại loãng xương do tăng hủy xương.
Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương là đo loãng xương bằng máy DXA. Do rất nhiều người bị loãng xương nhưng không có triệu chứng, nên người ta chủ trương tầm soát loãng xương cho các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh, nam giới trên 60 tuổi, và những người bị bệnh thận, tuyến giáp, những người sử dụng thuốc steroid thường xuyên.
Loãng xương bản thân nó không gây ra đau hay yếu liệt. Tuy nhiên, nó là nguyên nhân gây gãy xương. Mà gãy xương đốt sống và gãy cổ xương đùi lại rất nguy hiểm. Năm 2015, một nghiên cứu của Cộng hòa Séc, nơi GDP đầu người cao hơn chúng ta rất nhiều, chăm sóc y tế cũng tốt hơn chúng ta, được công bố. Theo đó, sau 1 năm đầu tiên bị gãy xương đốt sống hoặc gãy cổ xương đùi do loãng xương, có 31% số người tử vong. Sau 3 năm thì chỉ còn có 32% số người là còn sống. Đấy là chưa kể, những người còn sống thì tỉ lệ tàn phế cũng rất cao.
Khi bị gãy xương đốt sống, các bác sĩ sẽ phải tạo hình đốt sống (bơm xi măng sinh học vào đốt sống gãy), hoặc mổ cố định cột sống. Còn gãy cổ xương đùi thì đa số phải mổ thay khớp. Đó là những phẫu thuật khá tốn kém, nhưng thực tế mới chỉ là chữa cái ngọn. Gốc của vấn đề là loãng xương. Cần phải điều trị loãng xương.
Mục đích của điều trị loãng xương là làm cho xương cứng chắc để không bị gãy xương. Tuy nhiên, nếu điều trị thành công, thì thường phải 3 đến 5 năm sau, xương mới cứng chắc đủ để giảm nguy cơ gãy xương xuống nhiều. Cho nên cần phải điều trị loãng xương đúng cách.
Nhiều người lầm tưởng, loãng xương là ra mua mấy hũ sữa chứa nhiều calcium uống là hết loãng xương. Trên thực tế, có những hãng sữa mang cái máy gì đó ra siêu thị, đo cho các bà nội trợ. Gần như ai cũng loãng xương. Bán cho mấy hộp sữa, về uống vài tuần, rồi ra siêu thị đo loãng xương lại, phần lớn là hết loãng xương. Không biết sữa thần hay máy thần?
Với các bác sĩ không phải thần thánh, sử dụng những máy móc không có tính chất thần thánh, thì quá trình điều trị kéo dài từ 3 đến 5 năm, và cũng không phải tất cả đều thành công. Có tới 4 nội dung điều trị loãng xương cho loãng xương nguyên phát và loãng xương sau mãn kinh. Còn loãng xương thứ phát thì phải điều trị bệnh gây ra loãng xương.
Đầu tiên là CHỐNG HỦY XƯƠNG. Các bác sĩ sẽ dùng các thuốc phù hợp với từng loại loãng xương, gồm các thuốc chống hủy xương hoặc hormone phù hợp, để ngăn quá trình hủy xương, hỗ trợ bảo tồn xương. Cái này phải đến các nhà chuyên môn Nội Cơ Xương Khớp. Tôi không rành về thuốc nên không dám lạm bàn.
Nội dung thứ hai là BỔ SUNG CALCIUM và VITAMIN D. Người bệnh cần được bổ sung đầy đủ calcium và vitamin. Không nhất thiết phải là sữa làm giàu calcium. Trong các thức ăn của người Việt, có món cá bống, hay cá cơm ăn cả xương, lượng calcium nhiều hơn cả sữa nữa. Các bạn có thể tham khảo các bác sĩ dinh dưỡng xem những trái cây nào giàu calcium. Còn vitamin, có thể nhận được bằng cách phơi nắng. Trong trường hợp thiếu calcium và vitaminD nhiều thì nên bổ sung bằng thuốc viên một thời gian.
Nội dung thứ ba là TẬP LUYỆN THỂ DỤC THỂ THAO. Người ta thấy rằng nếu hệ cơ mà teo tóp, thì hệ xương cũng khó mà khá được. Nên luyện tập thể dục thể thao, đặc biệt là luyện tập ngoài trời, rất được khuyến khích.
Nội dung thứ tư rất quan trọng, nhưng ít bệnh nhân (đôi khi cả bác sĩ) lưu ý. Đó là PHÒNG CHỐNG TÉ. Mục tiêu của điều trị loãng xương là để không gãy xương. Mà để té trong lúc đang bị loãng xương thì nguy cơ gãy xương sẽ rất cao. Mà gãy xương thì tỉ lệ tử vong sẽ rất cao như nói ở trên.
Đầu tiên là lưu ý những chỗ dễ té trong nhà. Đó là nhà vệ sinh, phòng tắm. Nếu không lót nền bằng gạch không trơn được, thì nên trải các tấm trải có ma sát để chống té lên sàn nhà tắm. Nơi bồn câu và trong phòng tắm nên làm tay vịn, để có chỗ vịn khi chuyển đổi tư thế. Sau đó, trong nhà không nên làm thành nhiều cấp độ cao thấp khác nhau. Nếu đã lỡ làm, thì những chỗ ấy cần được chiếu sáng và dán các chỉ thị màu phản quang để dễ thấy. Đồ đạc trong nhà cũng cần phải được dọn ngăn nắp, nhất là trường hợp ông bà ở chung với các cháu nhỏ, hay vứt đồ chơi lung tung trong nhà.
Khi ra đường, cần chú ý những chỗ gập ghềnh, hoặc dễ trơn trượt. Người bệnh khi ra đường, hoặc nếu hay bị chóng mặt, thì ngay khi ở trong nhà, cũng nên có gậy hỗ trợ, hoặc lợi dụng các tay nắm, thành lan can khi di chuyển…
Hầu hết các trường hợp điều trị loãng xương đều được chú ý đến việc dùng thuốc, mà ít được lưu ý việc phòng chống té, dù cho đó là nội dung cực kì quan trọng.